Làm nước hoa hồng chăm sóc da đơn giản tại nhà
Các loại nước hoa hồng (còn gọi là toner) bán trên thị trường có thành phần chủ yếu là cồn. Tự làm nước hoa hồng tại nhà vừa tốt, vừa an toàn mà lại đơn giản và rẻ nữa.
Từ lâu nước hoa hồng (còn gọi là nước cân bằng da hay toner, và không nhất thiết phải làm từ hoa hồng) được ca ngợi trong công cuộc làm đẹp làn da phụ nữ.
Theo suy nghĩ của nhiều chị em, cách tốt nhất là vào siêu thị mua một lọ về dùng (hi vọng trong đó có chất đặc biệt nào đó), chứ không biết rằng tự làm nước hoa hồng tại nhà vừa tốt hơn mua ngoài vừa đơn giản và rẻ tiền.
Nước hoa hồng mua ở ngoài không hẳn là đảm bảo đâu ạ. Thành phần chủ yếu là cồn, thậm chí còn có mineral oil nữa. Ngoài ra người ta có thể lấy cả hoa hồng hư, dập nát chứ không chọn lựa kĩ như mình.
Hà cũng từng nghĩ rằng thực hiện tại nhà sẽ mất thời gian lắm, nhưng khi làm rồi thì thấy quá dễ. Hà ghi lại hết cho các chị tham khảo đây! (chị nào đọc xong vẫn thấy khó thì chắc là do thích được anh xã đưa đi shopping ở siêu thị hơn!!!)
Chuẩn bị hoa:
- 10-20 bông hồng (giá chừng 20-50k tùy chỗ bán). Hà vẫn mua khoảng 2k/bông, thời giá 2011 nhé!
- Gỡ lấy cánh hoa rồi ngâm vào nước muối khoảng 10-15 phút hoặc nước vo gạo để sát trùng và loại bỏ thuốc trừ sâu.
Hoa nào cũng đều có xịt thuốc hết các chị ạ, trừ khi hoa nhà tự trồng. Các hãng mỹ phẩm cũng lấy hoa từ nhà vườn, nhưng họ không chọn lọc hoa như mình đâu, lấy cả hoa dập nát rồi dùng hóa chất để xử lý. Bình thường các loại rau củ đều có xịt thuốc mà mọi người vẫn rửa nước muối rồi ăn nên không nên quá kỹ việc hoa có thuốc không nhé!
Có hai cách làm nước hoa hồng, tùy vào điều kiện và dụng cụ có sẵn mà các chị chọn cho mình cách thích hợp. Cách 1 đơn giản hơn cách 2, nhưng cách 2 cho nước hoa hồng tinh khiết hơn. Hà cũng đã làm cách 1 và thấy nước hoa hồng vẫn rất tốt.
Cách 1: Chưng cách thủy
Dụng cụ:
Cách làm:
- Cho cánh hoa vào một cái tô sành hoặc thủy tinh, thêm chừng 200-250ml nước.
- Đổ nước vào nồi rồi đặt tô cánh hoa vào. Nước trong nồi cách miệng tô chừng 3cm để nước không tràn vào tô. Đừng cho ít nước quá vì đun lâu nồi cạn hết nước, có thể hư nồi.
- Bắc nồi lên bếp đun nhỏ lửa, cố gắng đừng để nước sôi nhé các chị vì lửa càng to thì càng mất tinh chất hoa hồng. Đun nhỏ lửa thì nước sẽ không bao giờ sôi. Sau khoảng 45-60 phút nước sẽ đổi màu (từ cánh hoa) và có 1 lớp tinh dầu mỏng ở trên miệng tô. Trong thời gian đun các chị nên canh chừng kẻo nồi bị cạn nước.
- Sau đó tắt bếp để nguội rồi dùng cái ray để lược lấy nước trong tô ra cho vào chai đậy nắp lại, bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.
Cách 2: Chưng cất và ngưng tụ
Dụng cụ:
Cách làm:
- Úp ngược cái dĩa vào nồi, rồi đặt cái tô lên trên dĩa (nếu có viên đá sạch để thay cái dĩa thì càng tốt)
- Cho cánh hoa hồng vào nồi, sau đó đổ nước ngập cánh
- Đậy ngược nắp nồi (phần lõm hướng xuống dưới)
- Đun đến khi sôi rồi vặn nhỏ lửa để liu riu. Lúc nước trong nồi sôi thì đổ nước đá lên nắp nồi
- Khi nồi gần cạn thì tắt bếp. Đừng để nồi cạn nước nhé!
Tại sao lại đậy nắp ngược và đổ nước đá lên? Vì khi nước trong nồi sôi, tinh chất hoa hồng sẽ bốc hơi lên nắp nồi, gặp lạnh ngưng tụ thành hơi nước và rớt ngược vào tô.
Nước ngưng tụ trong tô chính là nước hoa hồng tinh khiết của các chị.
Nước hoa hồng có mùi thơm nhẹ (nhưng không giống mùi của hoa hồng tươi các chị nhé), rất hiệu quả trong việc làm se khít lỗ chân lông và làm sạch da. Rửa mặt bằng nước trước sau đó dùng bông thấm nước hoa hồng thoa lên mặt, để tự khô (không rửa mặt lại). Nên làm 1-2 lần/ngày. Các chị sẽ nhận thấy sự khác biệt của làn da, đồng thời yêu thích nước hoa hồng cho mà xem!
Nên chiết ra một chai nhỏ để dùng (tốt nhất là chai màu tối, tránh để ra sáng sẽ làm mất các thành phần tinh chất), phần còn lại để ngăn đá, không thì để ngăn lạnh thôi cũng tốt rồi. Hà để đến gần 2 tháng mà mùi vẫn còn nguyên.